
Album ảnh














































































































































































































Chi tiết tin
Nhằm giúp bà con nông dân có thêm nhiều kiến thức kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất chăn nuôi theo hướng khoa học, thân thiện môi trường, đặc biệt là áp dụng tốt quy trình sử dụng rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp vào thực hiện mô hình nuôi “Ruồi lính đen” dùng làm thức ăn cho gà, vịt, cá…. Ngày 22/5/2023, Trường Đại học Nông lâm Thành Phố Hồ Chí Minh kết hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm dịch vụ - nông nghiệp huyện, Ủy ban nhân dân 02 xã: Bình Nhì và Vĩnh Hựu tổ chức hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 50 người dân trên địa bàn 2 xã: Bình Nhì và Vĩnh Hựu.
Giáo sư - Tiến sĩ Dương Nguyên Khang Trường Đại học Nông lâm Thành Phố Hồ Chí Minh hướng dẫn về quy trình của mô hình nuôi “Ruồi lính đen” từ phụ phẩm nông nghiệp
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được nghe Giáo sư - Tiến sĩ Dương Nguyên Khang Trường Đại học Nông lâm Thành Phố Hồ Chí Minh hướng dẫn về quy trình của mô hình nuôi “Ruồi lính đen” từ phụ phẩm nông nghiệp. Cụ thể về tập tính, điều kiện sống, thời gian sinh trưởng, thời gian thu hoạch ấu trùng ruồi lính đen dùng làm thức ăn cho gà, vịt, cá…Đây là mô hình nuôi Ruồi lính đen lần đầu tiên được ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây tổ chức tập huấn, hướng dẫn, nhân rộng trong cộng đồng thực hiện tại 02 xã: Bình Nhì và Vĩnh Hựu. Mỗi xã có 25 người dân đăng ký tham gia mô hình. Mỗi người dân được Trung tâm Kỹ thuật công nghệ của Trường Đại học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh hỗ trợ miễn phí 03 khay nhựa dùng để nuôi Ruồi lính đen và hỗ trợ thêm 3,4 kg xác bia, xác bã đậu nành; 8 gram ấu trùng ruồi lính đen để đem về nhà nuôi trong thời gian 20 ngày sẽ cho ra ấu trùng ruồi lính đen trưởng thành dùng để làm thức ăn chủ yếu cho gà, vịt và cá. Đặc biệt, trong quá trình nuôi, người nuôi sẽ tận dụng thức ăn thừa, vỏ trái cây, vỏ rau củ dùng làm thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen sinh trưởng phát triển. Trong mô hình này, Trường Đại học Nông lâm sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 01 đợt ấu trùng ruồi lính đen nữa để bà con tiếp tục thực hiện mô hình và suốt quá trình nuôi, người dân được liên kết nhóm zalo với cán bộ trường để tiếp tục có hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ khó khăn khi nuôi. Sau 02 đợt hỗ trợ ấu trùng, nếu người dân thấy hiệu quả và muốn nuôi lâu dài để có nguồn thức ăn cho gia cầm, cá thì tiếp tục liên hệ với nhà trường để có ấu trùng ruồi lính đen trong sản xuất chăn nuôi.
Phân tích lợi ích to lớn nhất của mô hình nuôi ruồi lính đen là giúp con người xử lý rác thải hữu cơ nhanh chóng. Ấu trùng ruồi lính đen có khả năng xử lý rác thải triệt để các loại chất hữu cơ này và làm triệt tiêu hoàn toàn mùi hôi. Bằng việc ăn các chất dinh dưỡng này, ấu trùng ruồi lính đen thải ra môi trường các khối chất hữu cơ và phân bón dinh dưỡng. Ngoài ra, ấu trùng ruồi lính đen có hàm lượng dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn hấp dẫn đối với nhiều loài vật nuôi như gia cầm, thủy hải sản... Ấu trùng ruồi lính đen còn chứa hàm lượng kháng sinh cao, khi được nuôi bằng ruồi lính đen, hệ thống miễn dịch của vật nuôi sẽ được cải thiện đáng kể, giảm chi phí chăm sóc thú y. Mô hình nuôi ruồi lính đen từ phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ này có thể áp dụng rộng rãi trong cộng đồng. Bên cạnh việc vừa mang lại lợi ích phát triển kinh tế thì mô hình này còn có thể giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, đồng thời tuyên truyền vận động mọi người chủ động phân loại rác thải và bỏ rác đúng nơi quy định. Quá trình xử lý rác hữu cơ nuôi ruồi lính đen hoàn toàn không tạo ra mùi khó chịu. Tất cả quá trình phát triển của ruồi lính đen đều góp phần giúp phân hủy rác thải hữu cơ.
Kim Lan - Quốc Nam