
Album ảnh














































































































































































































Chi tiết tin
Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực học tập và làm theo Bác, ông Trần Văn Nhịn, ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, dựng nên cơ nghiệp bền vững nhờ mô hình trồng cây ca cao xen canh dừa.
Ông Trần Văn Nhịn
Năm 1983, ông Trần Văn Nhịn rời quân ngũ trở về quê hương, kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào cây sa pô. Sau đó, nhận thấy sa pô không mang lại hiệu quả kinh tế nên ông chuyển sang trồng bưởi, xoài tứ quý. Thế nhưng, giá cả thị trường các loại trái cây này lại không ổn định nên đến năm 2005 ông bắt đầu tham gia dự án ca cao cho đến nay.
Ông Nhịn hiện có 7 công đất trồng ca cao xen canh dừa. Theo ông, trồng kết hợp như vậy sẽ tận dụng được lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, mà không phải đốn cây trồng chính, còn tăng thêm độ phủ cho đất. Trước đây trồng sa pô, nhãn thì ông phải mang ra chợ bán, còn đặc thù của ca cao là cho dù chỉ có 1 trái cũng có người mua, đầu ra rất ổn định. Mỗi năm, ông thu hoạch từ 9 - 10 tấn ca cao, hiện ca cao trái có giá từ 4.500 - 6.000 đồng/kg, còn hạt ca cao (đã qua xử lý) có giá từ 65.000 - 90.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình ông thu lãi khoảng 10 triệu đồng.
Ông Nhịn cho biết, ca cao rất dễ trồng, chỉ cần có phân, nước là cây sẽ cho trái quanh năm. Vào mùa mưa, ca cao sẽ tự ra hoa, cho trái mà người trồng không phải tốn công xử lý. Thời gian qua, ca cao được Nhà máy Apuracod Grandplace (Khu công nghiệp Giao Long, Bến Tre) thu mua và hiện có thêm Công ty Bellevue thu mua có giá cao hơn 20.000/kg (do công ty yêu cầu cao hơn về độ lên men, chất lượng hạt) nên đầu ra ca cao khá ổn định.
Là chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao, ngoài việc trồng ca cao ông Nhịn còn thu mua ca cao của 15 thành viên trong câu lạc bộ; đồng thời, thường xuyên tổ chức cuộc họp, sinh hoạt hàng tháng để chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm,... nhằm gắn kết các thành viên trong câu lạc bộ với nhau.
Không dừng lại ở đó, để có thêm thu nhập, ông Nhịn còn đầu tư nuôi 6.000 con gà tre và đến nay đã gần được 1 năm, hiện gà tre lấy thịt có giá bán trên 100.000 đồng/kg. Lúc bắt đầu nuôi, gà tre giống có giá lên đến 15.000/con, hiện nay giảm chỉ còn 4.000 đồng/con nên người nuôi thu lãi cao hơn. Để chăn nuôi hiệu quả, ông thường xuyên tham gia các câu lạc bộ khuyến nông của xã về chuyển giao khoa học - kỹ thuật gắn kết với Trạm Khuyến nông huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi trước.
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp, ông Nhịn tham gia tốt các phong trào địa phương trong xây dựng nông thôn mới, tích cực vận động người dân hiến đất làm đường, lắp đèn đường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng,... góp phần đưa ấp Bình Trung phát triển vững mạnh đóng góp tích cực vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia công tác xã hội, ông Trần Văn Nhịn được Huyện ủy tặng giấy khen vì đã có thành tích trong việc học tập và làm theo Bác./.
Kim Lan